Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, có ý nghĩa lịch sử. Thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều về quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện.
Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, có ý nghĩa lịch sử. Thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều về quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện.
Công nghiệp công nghệ số đang và sẽ được tích hợp vào tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế khác ngoài việc tự thân nó là một ngành có tốc độ phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh hiện nay, công nghiệp công nghệ số đã khẳng định được vai trò, vị trí là nền tảng, là hạ tầng thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển và sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt trong giai đoạn tới, để thực hiện thành công CĐS toàn diện quốc gia đã được định hướng trong các Nghị quyết, chương trình của Đảng [1] và Nhà nước [2] công nghiệp công nghệ số cần phát triển nhanh, phải đi trước một bước. Nhằm cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước thành các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, cần phải nhận diện rõ những cơ hội đối với ngành công nghiệp này.
Thứ nhất, Việt Nam có tiềm năng bùng nổ thị trường ứng dụng công nghệ số nội địa: Với gần 100 triệu dân, trong đó dân số trẻ và số người dùng di động thông minh chiếm tỷ lệ cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia tiếp tục được xây dựng hiện đại và rộng khắp. Chính phủ đã đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc gắn với ứng dụng công nghệ số trong xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT), CĐS quốc gia lấy người dân là trung tâm, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, hình thành Chính phủ số, xã hội số. Nguồn nhân lực công nghệ của Việt Nam có kiến thức tốt về công nghệ. Ở Việt Nam, hàng năm có gần 50.000 sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT hoặc liên quan đến lĩnh vực CNTT.
Đồng thời, Việt Nam cũng có nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao với thị trường nội địa đủ lớn và đa dạng, có số lượng người tiêu dùng am hiểu công nghệ, kỹ thuật số và quan tâm đến việc thử nghiệm các sản phẩm mới, có tiềm năng thu hút đầu tư vào ứng dụng và phát triển sản phẩm công nghệ số. Việt Nam được đánh giá là môi trường an toàn để các DN đầu tư dài hạn vào công nghệ bởi đây là quốc gia được đánh giá có chế độ chính trị và chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, điều này đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút vốn đầu tư để phát triển DN công nghệ số Việt Nam.
Với quyết tâm định hướng chính sách phát triển công nghệ số, Việt Nam đã tích cực đầu tư vào lĩnh vực công nghệ số dưới nhiều hình thức. Chính phủ đã ban hành các chính sách về cách CMCN 4.0, về phát triển DN công nghệ số, coi công nghệ là nhân tố chính để phát triển kinh tế: Đề án CĐS quốc gia hướng đến một không gian phát triển mới - kinh tế số, xã hội số, CPĐT, mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá. Các Đề án kinh tế chia sẻ, Nghị định về hỗ trợ DN vừa và nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo đã tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho DN công nghệ khởi nghiệp [3].
Hiện Việt Nam đã có trên 64.000 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số (công nghiệp phần cứng, điện tử; công nghiệp phần mềm; công nghiệp nội dung số; dịch vụ CNTT) [4]. Cộng đồng cũng đã hình thành được một số DN đầu tàu, có chiến lược phát triển phù hợp với CMCN 4.0 như VNPT với Chiến lược VNPT 4.0, Viettel có chiến lược xác định phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm. Đặc tính của các DN trong lĩnh vực công nghệ cao là khả năng phát triển sản phẩm nhanh. Đặc tính này đã được phát huy trong giai đoạn của đại dịch COVID-19, nhiều sản phẩm công nghệ số như khai báo, theo dõi, đánh giá tụ tập đông người và phạm vi di chuyển, học và làm việc từ xa đã được triển khai trong thời gian ngắn giúp giảm bớt sự lây lan của dịch bệnh, sớm đưa nền kinh tế vào trạng thái hồi phục phát triển. Tuy nhiên, để có thể khai thác được hết tiềm năng của thị trường nội địa, các quy định đối với các công nghệ mới nổi cần sớm được thiết lập để sự sáng tạo của DN công nghệ số trong việc phát triển các giải pháp mới được đưa vào cuộc sống một cách thuận lợi.
Thứ hai, đặc sắc của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển công nghệ mới
Hệ thống chính trị của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở Đảng cầm quyền, một nhà nước pháp quyền mạnh mẽ, sáng suốt, gắn bó mật thiết và hành động vì lợi ích của nhân dân, từ Trung ương đến cơ sở. Do vậy, khi triển khai một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, cụ thể là phát triển công nghiệp số thì hệ thống truyền thông từ Trung ương đến cơ sở góp phần quan trọng trong nhận thức, tư tưởng và hành động. Đây là một trong những đặc sắc của Việt Nam để phát triển công nghiệp công nghệ số, đưa công nghệ số đến tận ngõ ngách cuộc sống.